- 1. TỔNG QUAN CHƯƠNG TRÌNH
-
1.1. Giới thiệu chương trình
Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật cơ điện tử được tham khảo từ các trường đại học hàng đầu trên thế giới và được xây dựng phù hợp định hướng đào tạo quốc tế. Chương trình có tính ứng dụng cao, giúp người học am hiểu các kỹ thuật cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin và các công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong cách mạng 4.0. Theo học chương trình đào tạo cử nhân/kỹ sư cơ điện tử, sinh viên sẽ được cung cấp các kiến thức và kỹ năng chuyên môn thuộc một trong các lĩnh vực sau:
a. Lĩnh vực chế tạo và điều khiển robot
– Ngành cơ điện tử là ngành học đặc biệt cung cấp năng lực toàn diện và chuyên sâu cho người học trong việc thiết kế và chế tạo robot, nhờ đó đang nổi lên là một ngành trọng điểm mũi nhọn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thu hút nhiều sự chú ý của các nhà khoa học, doanh nghiệp lớn và sự quan tâm phát triển của nhà nước. Cụ thể, ngành học cung cấp các kiến thức cần thiết giúp sinh viên có khả năng thiết kế chế tạo các cơ cấu và chi tiết cơ khí, board mạch điều khiển điện tử, cơ cấu chấp hành, cũng như lập trình phần mềm điều khiển thông minh cho các robot ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ các robot thám hiểm, robot hình người, robot kích thước micro và nano trong y học, robot phẫu thuật cho đến các robot thực hiện các công việc nặng trong các nhà máy.
– Đặc biệt, phương pháp thiết kế đặc trưng cơ điện tử trong đó các thành phần cơ khí, điện tử và công nghệ thông tin của robot được thiết kế và chế tạo song song để bổ trợ lẫn nhau đã tạo nên chất lượng và tính năng vượt trội cho robot mà phương pháp thiết kế truyền thống không đạt được.
b. Thiết kế, chế tạo vận hành và cải tiến sản phẩm cơ điện tử
Các sản phẩm cơ điện tử đặc trưng hiện nay như ô tô thế hệ mới với động cơ điều khiển điện tử, ô tô điện, ô tô dùng năng lượng mới, máy bay hiện đại, tên lửa, máy công cụ CNC, hệ thống cơ điện kích thước nano (NEMS), tay chân nhân tạo điều khiển bằng ý nghĩ… thể hiện sự kết hợp sáng tạo và đồng bộ các bộ phận cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, điều khiển tự động, cảm biến và trí tuệ nhân tạo. Ngành Cơ điện tử với tư cách là ngành học đa lĩnh vực sẽ cung cấp cho các kỹ sư năng lực để thiết kế, chế tạo, vận hành, cải tiến và sáng tạo các sản phẩm công nghệ cao này trong thời đại 4.0 nhất là khi các sản phẩm hiện đại đều yêu cầu sự phối hợp hài hòa nhiều ngành công nghệ.
c. Điều khiển các thiết bị và hệ thống tự động
– Cung cấp các kỹ năng thiết kế, lắp đặt, bảo trì sửa chữa các thiết bị và hệ thống tự động, các thiết bị chuyên dụng để tự động hóa các hoạt động sản xuất cũng như đời sống.
– Cung cấp kỹ năng lập trình cho các thiết bị điều khiển trong công nghiệp như các bộ vi điều khiển, PLC, các thiết bị cảm biến và thu thập dữ liệu (DAQ), …
d. Tự động hóa sản xuất và truyền thông trong công nghiệp
– Cung cấp các kiến thức cần thiết để sinh viên có thể phân tích, thiết kế các hệ thống điều khiển tự động hóa dây chuyền sản xuất, giám sát quá trình sản xuất trong nhà máy, hệ thống thu thập dữ liệu và điều khiển giám sát SCADA, các chuẩn truyền thông trong công nghiệp như MODBUS, PROFIBUS, CAN bus, …
1.2. Triển vọng nghề nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật cơ điện tử sau khi ra trường có thể làm việc ở những vị trí như:
a. Các Viện, Trung tâm nghiên cứu, trường Đại học
– Sinh viên có nền tảng kiến thức vững chắc để có thể theo học tiếp tục tại các chương trình sau đại học trong nước hoặc quốc tế; có thể tham gia giảng dạy hoặc nghiên cứu chuyên ngành cơ khí – cơ điện tửtại các trường cao đẳng và đại học trên cả nước.
– Nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu Điện tử – tin học – Tự động hóa, các Khu công nghệ cao, …
b. Tất cả các doanh nghiệp sản xuấttrong và ngoài nước trong tất cả lĩnh vực
– Kỹ sư thiết kế, chế tạo máy móc tự động hóa; vận hành, bảo trì, sửa chữa các hệ thống máy móc trong công nghiệp.
- Kỹ sư vận hành, bảo trì các thống điện tử công nghiệp, robot công nghiệp trong các dây chuyền sản xuất: lắp ráp ô tô, hàn,…
c. Các doanh nghiệptư vấn kỹ thuật, kinh doanh thiết bị tự động hoặc chuyển giao công nghệ
– Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể trở thành các chuyên viên tư vấn, thiết kế, phân tích mô phỏng nhằm cung cấp giải pháp công nghệ theo yêu cầu của khách hàng.
– Nhân viên hỗ trợ kỹ thuật hoặc giới thiệu sản phẩm cho các tập đoàn sản xuất thiết bị cơ khí – cơ điện tử.
d. Các cơ hội khác: Sinh viên có cơ hội rất cao trong việc tuyển dụng lao động nước ngoài đòi hỏi có chuyên môn kỹ thuật cao như Nhật Bản, Hàn Quốc,…
- 2. CHUẨN ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO:
-
Chuẩn đầu ra (CĐR) là khởi điểm của quy trình thiết kế chương trình đào tạo và được xây dựng theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, phản ánh tầm nhìn, sứ mạng của trường, khoa và phù hợp với mục tiêu đào tạo, nhu cầu của các bên liên quan.
Chuẩn đầu ra sẽ được cụ thể hóa theo nguyên tắc “tương thích có định hướng” vào các môn học từng bước giúp người học đạt được những trình độ & năng lực chuyên môn về kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp sau khi hoàn thành chương trình đào tạo. Nội dung chương trình còn tăng cường hoạt động học nhóm, rèn luyện thói quen chủ động học tập, tư duy sáng tạo cho người học để luôn chủ động và sẵn sàng cho những cơ hội phát triển.
Chuẩn đầu ra được Trường cam kết với người học, xã hội và công bố công khai trên Website.
- Vận dụng sáng tạo và có hệ thống các kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, giáo dục quốc phòng, pháp luật, khoa học tự nhiên và xã hội trong nghiên cứu và giải quyết các vấn đề trong thực tế.
- Sử dụng tốt ngoại ngữ tiếng Anh (đạt chứng chỉ IELTS 5.0 hoặc các Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế có giá trị tương đương) và tin học văn phòng (đạt chứng chỉ MOS 750 điểm) trong học tập, giao tiếp, giảng dạy và nghiên cứu;
- Phân tích lý thuyết cơ điện tử và thiết kế hệ thống cơ điện tử cơ bản
- Áp dụng kiến thức chuyên môn vào quy trình thường xuyên trong kỹ thuật cơ điện tử
- Phân tích các vấn đề thực tế có thể xảy ra trong kỹ thuật cơ điện tử và chọn phương pháp thích hợp để giải quyết các vấn đề bất thường
- Cải thiện và nâng cấp các hệ thống cơ điện tử
- Thiết kế, thực hiện và vận hành hệ thống cơ điện tử
- Tư vấn, lập kế hoạch, quản lý và triển khai các dự án liên quan đến cơ điện tử Kỹ năng giao tiếp hiệu quả, bao gồm cả kỹ năng giao tiếp làm việc nhóm, quản lý thời gian và tài nguyên hiệu quả
- Thể hiện tinh thần trung thực và trách nhiệm, tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn và đạo đức nghề nghiệp.
- Thể hiện niềm đam mê tự học và tự nghiên cứu, nâng cao kiến thức chuyên ngành để có thể giải quyết các vấn đề thực tế trong kỹ thuật hoặc trở thành nhà lãnh đạo, doanh nhân.
- 3. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO:
-
Chương trình đào tạo là khung hệ thống kiến thức lý thuyết và thực hành được thiết kế đồng bộ với phương pháp giảng dạy, học tập và đánh giá kết quả học tập; để đảm bảo người học tích lũy được kiến thức, đạt được năng lực cần thiết theo chuẩn đầu ra đã công bố tương ứng với trình độ đại học. Chương trình đào tạo của Đại học Tôn Đức Thắng được xây dựng theo hướng tương thích với chương trình của TOP 100 đại học tốt nhất Thế giới đánh giá theo Bảng xếp hạng của QS và THE nhưng có sự điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam và mục tiêu đào tạo của Đại học Tôn Đức Thắng.
Định kỳ, nhà trường tiến hành rà soát, đánh giá chương trình đào tạo nhằm đảm bảo người học đáp ứng các yêu cầu của xã hội về chuyên môn sau khi ra trường cũng như cập nhật những thay đổi về công nghệ, phương thức kinh doanh mới.... Quá trình này có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan trọng yếu bao gồm: nhà khoa học, nhà tuyển dụng, cựu sinh viên, sinh viên, và giảng viên. Chương trình TOP 100 được nhà trường đưa vào giảng dạy từ năm 2015 nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động và xu hướng hội nhập toàn cầu; giúp người học năng động, tự học nhiều hơn; tiệm cận với mặt bằng đào tạo mới nhất trên thế giới.
Chương trình đào tạo được công bố cho người học qua cổng thông tin sinh viên và công khai trên website.