Nằm trong Top 10 công việc được tuyển dụng nhiều nhất trên toàn thế giới, ngành Điện – Điện tử, gắn liền với những phát triển mạnh mẽ của công nghệ năng lượng, công nghệ điện tử và công nghệ thông tin trong suốt thời gian qua. Để đảm bảo quá trình đào tạo đáp ứng với những sự phát triển đó, Khoa Điện - Điện tử đã liên tục không ngừng phát triển trong suốt hơn 20 năm qua.
1. Quy mô và vị trí
Cách đây hơn 20 năm, Khoa chỉ có duy nhất chương trình đào tạo đại học chuyên ngành Điện - Điện tử. Hiện nay, Khoa đã mở rộng đào tạo cho nhiều chương trình khác nhau: chương trình tiêu chuẩn, chương trình chất lượng cao dạy bằng tiếng Việt và tiếng Anh, chương trình chất lượng cao dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, chương trình liên kết cấp song bằng giữa TDTU và đối tác nước ngoài (Hà Lan), chương trình Thạc sĩ, chương trình Tiến sĩ trong nước và chương trình Tiến sĩ sandwich cho 4 ngành đào tạo: Kĩ thuật Điện – Điện tử, Kĩ thuật Điện tử - Viễn thông, Kĩ thuật Điều khiển và Tự động hóa và Kỹ thuật Cơ điện tử.
Hiện nay, ngành Điện – Điện tử của trường ĐH Tôn Đức Thắng được xếp hạng 292 (theo tạp chí USNews 2022), xếp hạng trong khoảng 301-400 (theo bảng xếp hạng Shanghai Ranking 2022), xếp hạng trong khoảng 351-400 (theo bảng xếp hạng QS WUR by Subject 2022) trong số các trường Đại học trên thế giới có đào tạo lĩnh vực này.
Song song với sự phát triển về đào tạo, nhân lực của Khoa cũng phát triển không ngừng. Từ chỗ chỉ có 03 tiến sĩ và phần lớn là những giảng viên được đào tạo trong nước, đến nay Khoa đã có 33 tiến sĩ đa số tốt nghiệp từ các nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nga, Hàn Quốc, …trong đó có nhiều GS ở các nước như Anh, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc, Đài Loan nhận làm giáo sư đỡ đầu hoặc giáo sư thỉnh giảng quốc tế của Khoa.
Số lượng sinh viên của Khoa cũng phát triển không ngừng theo qui mô đào tạo, trong giai đoạn đầu, điểm trúng tuyển của Khoa bằng với điểm sàn nhưng phải tuyển nguyện vọng 2 mà có năm vẫn không đủ chỉ tiêu. Nhưng đến nay, khoa tuyển cao hơn điểm sàn nhiều điểm và không phải tuyển nguyện vọng 2 nữa.
Cơ sở vật chất cũng được nâng cấp, bổ sung hàng năm để đảm bảo theo sự phát triển của công nghệ. Đến nay, Khoa có nhiều module thí nghiệm trang bị các thiết bị mới nhất và hiện đại nhất trên thế giới từ các tập đoàn lớn như Siemens, Mitsubishi, ABB, Endress+Hauser, Keysight Technologies, …. Với những thiết bị này, sinh viên ra trường luôn đáp ứng kịp thời các nhu cầu của doanh nghiệp.
2. Phương thức đào tạo và quản lý đào tạo
Thời kỳ đầu mới thành lập, khoa tổ chức đào tạo theo niên chế. Công tác đào tạo của Khoa còn phụ thuộc nhiều vào lực lượng giảng viên thỉnh giảng (số lượng giảng viên thỉnh giảng chiếm hơn 50% tổng số GV tham gia giảng dạy). Do đó, việc quản lý đào tạo cũng gặp nhiều khó khăn, chất lượng đào tạo chưa được kiểm định chặt chẽ và hệ thống.
Tuy nhiên với những nỗ lực của đội ngũ giảng viên cơ hữu và các cán bộ quản lý, cùng với sự phát triển chung của trường Khoa Điện - Điện tử đã không ngừng cải thiện hệ thống đào tạo của mình. Đến nay, khoa đã gần như hoàn toàn tự chủ trong công tác giảng dạy, số lượng GV thỉnh giảng chỉ còn rất ít. Khoa không gặp khó khăn gì trong việc chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ cho phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Ảnh: Đội ngũ giảng viên đầy tâm huyết của Khoa Điện - Điện tử
3. Nghiên cứu khoa học
Về nghiên cứu khoa học, đây là một trong những điểm phát triển vượt bậc của khoa. Sau hơn 10 năm thành lập, các công trình nghiên cứu khoa học hầu hết đều là các công trình công bố trong nước. Đến năm 2009, Khoa Điện - Điện tử là khoa đầu tiên của trường tổ chức một hội nghị khoa học quốc tế. Năm 2013, Khoa tổ chức thành công hội nghị quốc tế AETA. Đây là một trong những hội nghị đầu tiên của một Trường đại học Việt Nam có kỷ yếu được in trong tập sách Lecture Notes in Electrical Engineering, của Nhà xuất bản Springer (Đức) được ranking trong hệ thống xếp hạng các tạp chí khoa học quốc tế. Đến nay, Hội nghị này đã được tổ chức 7 lần, thu hút nhiều nhà khoa học nổi tiếng tham dự. Khoa đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu phát triển chung và đóng góp nhiều công bố quốc tế nói chung và ISI nói riêng, trong đó có công trình nằm trong top 5 các tạp chí ISI có chỉ số cao nhất trong ngành. Khoa cũng là một trong những khoa đầu tiên có một hồ sơ đăng ký bằng sáng chế Hoa Kỳ, trong tổng số 2 bằng sáng chế Hoa Kỳ hiện nay của Khoa.
Ảnh: Khoa Điện - Điện tử tổ chức thành công Hội thảo AETA 2017 với sự tham dự của nhiều Giáo sư và chuyên gia đến từ 14 quốc gia với hơn 100 bài tham luận
4. Thành tựu sinh viên và đánh giá của doanh nghiệp
Đặc biệt, nhờ sự hợp tác liên kết chặt chẽ giữa khoa với các công ty công nghệ lớn trong và ngoài nước như: Tổng công ty Điện lực miền nam, Tổng công ty Điện lực TPHCM, Tổng công ty Viễn Thông Quân Đội (Viettel), ABB, Siemens, Endress+Housser,...vv nên kỹ sư Điện - Điện tử của ĐH Tôn Đức Thắng đang là đối tượng ưu tiên tuyển dụng của rất nhiều doanh nghiệp lớn trên cả nước. Khoa cũng đã được Tổng công ty Điện lực miền nam tín nhiệm để đào tạo độc quyền cho các cán bộ cấp trung của Tổng công ty, bao gồm 21 tỉnh thành từ Ninh Thuận đến Cà Mau. Đặc biệt, khoa cũng là khoa duy nhất của Trường có 02 sinh viên đạt giải thưởng Tôn Đức Thắng TPHCM.
Ảnh: Sinh viên Khoa Điện - Điện tử tham quan tại công ty Renasas
5. Quan hệ quốc tế
Năm 2007, Khoa Điện - Điện tử là một trong hai khoa đầu tiên của trường có quan hệ liên kết với đối tác quốc tế trong đào tạo 3+1. Đến nay, nhiều hoạt động hợp tác quốc tế khác được triển khai với nhiều trường đại học lớn trên thế giới như: liên kết đào tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học, hợp tác tổ chức hội nghị quốc tế, hợp tác nghiên cứu khoa học, chia sẻ phòng thí nghiệm, trao đổi giảng viên và sinh viên….
Với các thành tựu vượt bậc như trên, Khoa Điện - Điện tử sẽ cố gắng đồng hành với sự phát triển chung của trường để đến năm 2037, ngành Điện - Điện tử của Khoa sẽ nằm trong số TOP 100 các trường trên thế giới về Điện – Điện tử.