Sáng 16/05/2025, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU), Khoa Điện – Điện tử (Đ-ĐT) đã phối hợp với Hiệp hội Điện lực TP.HCM (HEEA) tổ chức trao giải Cuộc thi “HEEA-EVNHCMC đồng hành an toàn phòng cháy chữa cháy cho người sử dụng điện; an toàn lao động cho công nhân ngành điện lực". Đây là hoạt động ghi nhận những đóng góp sáng tạo, đầy tâm huyết của sinh viên đối với các vấn đề thực tiễn trong ngành.
Cuộc thi do HEEA phối hợp cùng Công đoàn và Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) phát động từ 01/08 đến 30/09/2024, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn sử dụng điện, phòng chống cháy nổ và đảm bảo an toàn lao động cho công nhân ngành điện. Với chủ đề thiết thực, cuộc thi thu hút 112 bài dự thi từ nhiều đơn vị, trong đó TDTU đóng góp 21 bài – thể hiện rõ sự quan tâm và trách nhiệm của sinh viên đối với các vấn đề xã hội và nghề nghiệp. Các bài viết được đánh giá dựa trên 6 tiêu chí, từ tính thực tiễn, sáng tạo, thông tin chính xác cho đến khả năng tác động cộng đồng. Khoa Đ-ĐT, TDTU vinh dự có 8 sinh viên đạt giải, trong đó có 2 giải A (3.000.000 đồng/giải), 5 giải B (2.000.000 đồng/giải) và 1 giải C (1.000.000 đồng/giải).
Hai bài viết đạt giải nhất (hạng A) cuộc thi về an toàn điện đã mang đến những góc nhìn sâu sắc và thiết thực. Bài viết của sinh viên Nguyễn Đình Đức với tiêu đề “Từ nỗi sợ đến sự bảo vệ – Hành trình an toàn điện của tôi” đã chia sẻ trải nghiệm cá nhân đầy cảm xúc khi chứng kiến vụ cháy do chập điện, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của các thói quen nhỏ trong phòng ngừa tai nạn điện. Tác giả đề xuất các giải pháp cụ thể như thay thế thiết bị hỏng, lắp cầu dao tự động và giữ khoảng cách an toàn khi sử dụng điện. Đặc biệt, sáng kiến phát triển ứng dụng di động giúp người dân tự kiểm tra hệ thống điện gia đình là một ý tưởng sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào bảo vệ cộng đồng. Trong khi đó, sinh viên Nguyễn Ngọc Thanh Vân với bài viết “Đánh giá thực trạng và nguyên nhân gây cháy nổ trong hộ gia đình do sử dụng thiết bị điện không an toàn” tập trung nghiên cứu và phân tích các nguyên nhân phổ biến gây cháy nổ như thiết bị kém chất lượng, lắp đặt sai kỹ thuật và thói quen sử dụng thiếu kiến thức. Tác giả đề xuất các giải pháp khả thi gồm kiểm tra, bảo trì định kỳ và tăng cường tuyên truyền hướng dẫn sử dụng điện an toàn. Bài viết được đánh giá cao về tính khoa học, logic và đóng góp vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn điện.
Ngoài ra, 5 giải B gồm: Lê Bảo Lộc – An toàn trong điện mặt trời, Trương Thị Yến Nhi – An toàn điện trong đời sống, Nguyễn Minh Khoa – Lựa chọn dây dẫn và phòng cháy trong gia đình, Võ Tấn Thành – Trách nhiệm cộng đồng khi sử dụng điện, Phan Thanh Liêm – An toàn điện trong thiết bị gia dụng. Còn giải C thuộc về Phạm Đức Minh với bài viết “An toàn điện: Phòng tránh cháy nổ do thiết bị điện”.
Buổi trao giải là dịp tôn vinh các cá nhân sinh viên tiêu biểu, đồng thời lan tỏa tinh thần trách nhiệm và ý thức cộng đồng trong môi trường học thuật. Cuộc thi không chỉ là cơ hội để sinh viên vận dụng kiến thức thực tiễn, mà còn là bước đệm quan trọng trên hành trình trở thành những kỹ sư điện vững chuyên môn, giàu tinh thần cống hiến, trách nhiệm với cộng đồng.
Một số hình ảnh của buổi trao giải:




