Sinh viên Khoa Điện – Điện tử đạt giải nhì tại vòng chung kết Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp sinh viên TDTU năm học 2024–2025”

Ngày 16/4/2025, vòng chung kết Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp sinh viên TDTU năm học 2024–2025” đã diễn ra sôi nổi tại Hội trường 10F – Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Cuộc thi do Nhà trường tổ chức thường niên nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và khả năng ứng dụng kiến thức đã học trong giải quyết các vấn đề thực tiễn của sinh viên.

Trải qua hai chặng thi đầy thử thách – Chặng 1: Thuyết trình và phản biện ý tưởng; Chặng 2: Trả lời tình huống thực tế do Hội đồng giám khảo đặt ra. Các đội thi đã thể hiện sự bản lĩnh, sáng tạo và khả năng tư duy phản biện xuất sắc. Sau hơn 4 giờ tranh tài căng thẳng, nhóm sinh viên Khoa Điện – Điện tử (Đ-ĐT) đã xuất sắc giành được Giải nhì, khẳng định năng lực chuyên môn và tinh thần học thuật gắn liền với thực tiễn ứng dụng công nghệ vì cộng đồng.

Nhóm sinh viên gồm Nguyễn Đình Đức, Lê Văn Thịnh, Cao Hoàng Khải và Mai Diệp Minh Quân, dưới sự hướng dẫn tận tình của tập thể giảng viên Khoa Đ-ĐT, đã phát triển và trình bày dự án “Thiết bị hỗ trợ người khiếm thị học chữ nổi Braille” – một giải pháp công nghệ mang tính nhân văn sâu sắc, hướng tới hỗ trợ người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị, tiếp cận tri thức một cách dễ dàng, chủ động và thú vị hơn. Thiết bị được thiết kế với bộ hiển thị chữ nổi gồm 6 lỗ trên mỗi ký tự, cho phép thể hiện đầy đủ 64 dạng chữ nổi theo chuẩn Braille tiếng Việt mở rộng. Các ký tự được hình thành nhờ hệ thống vi động cơ điều khiển chính xác, giúp các chấm nổi linh hoạt lên xuống theo từng nội dung bài học. Đặc biệt, thiết bị có khả năng kết nối với máy tính và vận hành thông qua một nền tảng học trực tuyến, cung cấp các bài giảng sinh động kết hợp âm thanh, hình ảnh và công nghệ nhận diện giọng nói. Nhờ đó, người dùng có thể học chữ nổi bằng thao tác nút nhấn hoặc điều khiển bằng giọng nói, phù hợp với nhiều điều kiện sử dụng khác nhau. Sản phẩm không chỉ hỗ trợ người khiếm thị trong quá trình học tập mà còn mở ra cơ hội giao tiếp, nâng cao kỹ năng sống và khả năng hòa nhập cộng đồng, từ đó góp phần thúc đẩy sự bình đẳng trong tiếp cận tri thức và phát triển cá nhân cho những người yếu thế trong xã hội.

Dự án không chỉ mang ý nghĩa công nghệ mà còn thể hiện rõ tác động kinh tế – xã hội tích cực đối với cộng đồng người khiếm thị. Thiết bị giúp giảm đáng kể chi phí học tập, đặc biệt là chi phí thuê giáo viên chuyên biệt, nhờ khả năng hỗ trợ người học tự tiếp cận và làm quen với chữ nổi một cách chủ động. Qua đó, thiết bị góp phần nâng cao năng suất học tập, mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức, giúp người khiếm thị nâng cao sự tự lập và từng bước tham gia vào lực lượng lao động xã hội. Về mặt lâu dài, dự án tạo ra giá trị xã hội bền vững, thúc đẩy sự hòa nhập và khẳng định vai trò tích cực của người khiếm thị trong cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn và phát triển toàn diện.

Một số hình ảnh nổi bật tại vòng chung kết:

TDTU_startup_1
Nhóm sinh viên Khoa Điện – Điện tử tự tin trình bày ý tưởng và phản biện trước Hội đồng Giám khảo.
TDTU_startup_2
Dự án “Thiết bị hỗ trợ người khiếm thị học chữ nổi Braille” đạt Giải nhì cuộc thi.
TDTU_startup_3
Dự án “Thiết bị hỗ trợ người khiếm thị học chữ nổi Braille” đạt Giải nhì cuộc thi.
TDTU_startup_4
Các thành viên nhóm chụp ảnh lưu niệm cùng các đội thi, Ban Giám khảo và Ban Tổ chức – ghi dấu những khoảnh khắc đáng nhớ tại cuộc thi.