Seminar “Giới Thiệu Về Thiết Kế Vi Mạch Tổng Quát – Bộ Công Cụ Synopsys Galaxy Design Platform”

Ngày 30/11/2016, Khoa Điện Điện tử đã phối hợp với công ty Synopsys Vietnam tổ chức buổi seminar “Giới thiệu về thiết kế vi mạch tổng quát – bộ công cụ Synopsys Galaxy Design Platform,” tại phòng C208, Đại học Tôn Đức Thắng. Buổi seminar được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các Giảng viên và sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng có cái nhìn tổng quát về lĩnh vực thiết kế vi mạch tại Việt Nam, cũng như tạo mối quan hệ hợp tác lâu dài với công ty Synopsys trong việc hỗ trợ đào tạo và cung cấp cơ hội thực tập nghề nghiệp cho sinh viên ngành Điện tử Truyền thông nói riêng và sinh viên Khoa Điện Điện tử nói chung.

Theo anh Nguyễn Văn Phương, đại diện công ty Synopsys Việt Nam, lĩnh vực thiết kế vi mạch đã có mặt tại Việt Nam từ hơn 10 năm nay với nhu cầu tuyển dụng kỹ sư chuyên về lập trình và thiết kế vi mạch ngày càng gia tăng. Hiện nay có rất nhiều công ty đa quốc gia đã thành lập chi nhánh tại Việt Nam, bao gồm các công ty lâu năm như Renesas, eSilicon, Arrive Technology, ICDirect và các công ty mới như Uniquify và Microchip. 
 

Synopsys 1 
Đại diện công ty Synopsys trình bày cấu trúc chip “Analog & Mix signal”


Các công ty thiết kế chip cần tuyển dụng hàng trăm kỹ sư mỗi năm nhưng khả năng tuyển được các kỹ sư có tay nghề là không cao. Nguyên nhân chính là các kỹ sư mới ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu công việc do chưa có khoá đào tạo chuyên sâu cho lĩnh vực thiết kế chip tại Việt Nam. Vì vậy, các công ty này vẫn tuyển sinh viên mới tốt nghiệp, chưa có kinh nghiệm nhưng có kiến thức cơ bản về điện tử, kỹ thuật số và vi mạch. Thời gian cần thiết để đào tạo lại một kỹ sư để có thể bắt đầu làm việc trong lĩnh vực thiết kế chip kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, và phía công ty sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí cũng như lương cho kỹ sư này.
 

Synopsys 2

Giảng viên và sinh viên Tôn Đức Thắng trao đổi với anh Phương (Synopsys) 
về công việc thiết kế vi mạch và cơ hội nghề nghiệp tại Việt Nam.


Tại Việt Nam, nghề thiết kế chip bao gồm các vị trí như sau:

  • - Thiết kế số: lập trình code RTL (VHDL, Verilog), kiểm thử, thiết kế vật lý.
  • - Thiết kế tương tự (hỗn hợp): vẽ mạch nguyên lý, thiết kế layout.
  • - Kỹ sư kiểm định: kiểm tra độ tin cậy của sản phẩm .
  • - Kỹ sư thiết kế nhúng: thiết kế phần mềm nhúng vào một con chip xác định.


Và cũng theo lời của đại diện phía công ty Synopsys, để có thể xin việc vào các công ty thiết kế chip, sinh viên cần chuẩn bị kiến thức và kỹ năng cơ bản sau:

  • - Tiếng Anh là yếu tố quan trọng hàng đầu để có thể làm việc tại các công ty đa quốc gia.
  • - Kiến thức cơ bản: điện tử, kỹ thuật số, vi mạch.
  • - Tiếp cận các công cụ thiết kế vi mạch thực tế (nếu được).


Khoa Điện Điện tử đang trao đổi với công ty Synopsys để tìm cách cung cấp các khoá đào tạo ngắn hạn cho sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng về thiết kế vi mạch dùng các phần mềm chuyên dụng, từ đó tạo điều kiện cho sinh viên làm quen và gia tăng cơ hội việc làm tại Việt Nam.