Hội nghị quốc tế về Các giải pháp công nghệ tiên tiến-lý thuyết và ứng dụng lần thứ 9, năm 2024 (The 9th International Conference on Advanced Engineering-Theory and Applications: AETA 2024) đã chính thức khai mạc ngày 07/11/2024 tại Trường Đại học Kỹ thuật Brno (Cộng hòa Czech). Hội nghị này do Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) sáng lập và tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013, đến nay đã trở thành Hội nghị khoa học danh tiếng, được tổ chức mỗi năm một lần; với kỷ yếu được xuất bản toàn cầu bởi Nhà xuất bản Springer, được lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu ISI Proceedings, EI-Compendex, SCOPUS, MetaPress và Springerlink.
Năm nay hội nghị được tổ chức tại trường Đại học Kỹ thuật Brno, Cộng hòa Séc, đồng tổ chức bởi TDTU, ĐH Kỹ thuật Ostrava, Cộng Hòa Séc, Trường ĐH quốc gia Pukyong, Hàn Quốc, sau khi đã đi qua châu Âu (AETA 2018), Nam Mỹ (AETA 2019), Vietnam (2022) và Hàn Quốc (2023). Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thanh Phương, Phụ trách Khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Tôn Đức Thắng khẳng định Hội thảo AETA thiết lập được vị thế của mình trong việc thu hút các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín để chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới nhất.
Diễn ra từ ngày 07 đến ngày 08/11/2024, AETA 2024 có tỷ lệ chấp nhận đăng là 57%, với các tác giả đến từ 9 quốc gia (Vietnam, Czech Republic, Ukraine, Pakistan, India, Italy, Finland, Malaysia, and Brunei). Các công trình nghiên cứu giải quyết các vấn đề lý thuyết và ứng dụng trong các lĩnh vực quan trọng của công cuộc chuyển đổi số của các quốc gia: kỹ thuật điện, điều khiển và tự động hóa, điện tử viễn thông, khoa học máy tính, khoa học vật liệu và cơ khí.
Trong bài báo cáo chủ đề của Hội thảo, GS. Roman Senkerik (trường Đại học Tomas Bata tại Zlin, CH Czech) đã giới thiệu một chủ đề đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học, đó là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, cụ thể là mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model) để hỗ trơ tạo ra các kết quả nghiên cứu mới trong các giải thuật tối ưu metaheuristic. Ở một báo cáo chủ đề khác, TS. Pavel Masek đã giới thiệu các mục tiêu và triển vọng phát triển của mạng thiết bị IoT thông minh gắn với chuẩn truyền thông di động 5G, cũng như tình hình triển khai thực tế của mạng này trong công nghiệp.
Dưới đây là 1 số hình ảnh của Hội thảo: