Giới thiệu mô hình lớp học đảo ngược và buổi chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng mô hình này vào trong giảng dạy nhóm ngành kỹ thuật

Vào ngày 4/6/2024, tại phòng A403, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tổ chức buổi “Chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng mô hình lớp học đảo ngược vào trong giảng dạy nhóm ngành kỹ thuật”. Tham gia buổi chia sẻ có sự góp mặt của Đại diện các phòng ban, Báo cáo viên là TS. Nguyễn Công Tráng – Giảng viên Bộ môn Kỹ thuật điện, Khoa Điện – Điện tử cùng quý thầy cô là giảng viên đến từ các Khoa trong Trường.

           Dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược là một trong những phương pháp dạy học hiện đại nhằm khắc phục nhiều hạn chế của phương pháp dạy học truyền thống cũng như đáp ứng được những yêu cầu đổi mới về giáo dục trong thời đại ngày nay. Nguyên tắc chung của phương pháp này là lấy người học làm trung tâm. Cơ sở khoa học của lớp học đảo ngược là dựa trên 6 bậc gồm ghi nhớ, thông hiểu, ứng dụng, phân tích, đánh giá, và sáng tạo. Cụ thể, 3 mức độ đầu (ghi nhớ, thông hiểu, ứng dụng) được sinh viên thực hiện ở nhà thông qua video/slide bài giảng, diễn đàn và tài liệu học tập trên nền tảng hệ thống E-learning hoặc trong kho tư liệu Thư viện của Trường và các tài liệu khác trên mạng Internet. Sau đó trên lớp là thời gian để giảng viên và sinh viên cùng nhau tương tác, thảo luận và nâng cao kiến thức... nhằm đạt được 3 bậc cao hơn là phân tích, đánh giá và sáng tạo.

Reverse_class_1
Sự khác nhau giữa lớp học truyền thống và lớp học đảo ngược.

Việc áp dụng mô hình “lớp học đảo ngược” trong giảng dạy cho thấy không chỉ tạo sự chủ động và hứng thú học tập cho người học mà còn góp phần đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao hiệu quả học tập, giúp rèn luyện, phát triển tư duy cũng như các kỹ năng cho người học.

           Thông qua việc áp dụng thành công mô hình lớp học đảo ngược vào Môn học An toàn điện, học kỳ 1 năm học 2023-2024. Tại buổi chia chia sẻ, TS. Nguyễn Công Tráng đã đi sâu vào khái niệm mô hình lớp học đảo ngược, chia sẻ kinh nghiệm về công tác thiết kế mô hình lớp học đảo ngược, cùng với quá trình triển khai và kết quả thực hiện mô hình đối với nhóm ngành kỹ thuật. Cuối buổi chia sẻ, TS. Nguyễn Công Tráng kỳ vọng rằng “Trong tương lai, việc tiếp tục theo dõi và đánh giá mô hình sẽ là điều cần thiết để tiếp tục cải thiện và tối ưu hóa mô hình lớp học đảo ngược nhằm đạt được thành công cao hơn nữa”. Nhìn chung, buổi chia sẻ diễn ra thành công, hiệu quả và đầy hứa hẹn, tạo nền tảng vững chắc cho triển khai và nhân rộng mô hình lớp học đảo ngược tại Khoa Điện – Điện tử nói riêng và tại các Khoa trong Trường Đại học Tôn Đức Thắng nói chung.

            Một số hình ảnh tại buổi chia sẻ:

Reverse_class_2
Tổng quan buổi chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng mô hình lớp học đảo ngược vào trong giảng dạy nhóm ngành kỹ thuật.
Reverse_class_3
TS. Nguyễn Công Tráng đang chia sẻ về quá trình áp dụng mô hình lớp học đảo ngược.
Reverse_class_4
Hình ảnh lưu niệm giữa TS. Nguyễn Công Tráng và cùng quý thầy cô là giảng viên đến từ các Khoa trong Trường Đại học Tôn Đức Thắng.