Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, chương trình chất lượng cao

1. TỔNG QUAN CHƯƠNG TRÌNH

1.1. Giới thiệu chương trình

Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa gắn liền với các quá trình sản xuất trong công nghiệp, nơi các thao tác của con người được thay thế hoàn toàn bằng các hoạt động của máy móc, robot. Ngành học cung cấp cho sinh viên kiến thức về các hệ thống điều khiển tự động hiện đại trong công nghiệp cùng với sự hỗ trợ của công nghệ điện tử, những ý tưởng sáng tạo của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tất cả các lĩnh vực sẽ được trở thành hiện thực.

Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa được xây dựng có tính ứng dụng cao, đặc biệt sinh viên được tiếp cận với trang thiết bị thí nghiệm hiện đại được hỗ trợ bởi các tập đoàn lớn từ Mỹ, Đức, Nhật, Thụy Sỹ...

Theo học chương trình đào tạo Kỹ sư Điều khiển và Tự động hóa, sinh viên sẽ được cung cấp các kiến thức và kỹ năng chuyên môn thuộc một trong các lĩnh vực sau:

a. Điều khiển các thiết bị và hệ thống tự động

– Cung cấp các kiến thức về các kỹ thuật điều khiển tự động từ đơn giản đến phức tạp, từ cổ điển đến hiện đại (điều khiển PID, Logic mờ, mạng neuron, Kalman filtering, …) với mục tiêu đạt được sự điều khiển tối ưu, ổn định và thông minh cho hệ thống.

– Cung cấp các kỹ năng thiết kế, lắp đặt, bảo trì sửa chữa các thiết bị và hệ thống tự động, các thiết bị cảm biến chuyên dụng để tự động hóa các hoạt động sản xuất cũng như đời sống.

– Cung cấp kỹ năng lập trình cho các thiết bị điều khiển trong công nghiệp như các bộ vi điều khiển, PLC, các thiết bị cảm biến và thu thập dữ liệu (DAQ), …

b. Tự động hóa sản xuất và truyền thông trong công nghiệp

– Cung cấp các kiến thức cần thiết để sinh viên có thể phân tích, thiết kế các hệ thống điều khiển tự động hóa dây chuyền sản xuất, giám sát quá trình sản xuất trong nhà máy, hệ thống thu thập dữ liệu và điều khiển giám sát SCADA, các chuẩn truyền thông trong công nghiệp như MODBUS, PROFIBUS, CAN bus, …

c. Lĩnh vực chế tạo và điều khiển robot

– Cung cấp các kiến thức cần thiết giúp sinh viên có khả năng thiết kế chế tạo phần cơ khí – điện tử cũng như, thiết kế giải thuật lập trình phần mềm cho các robot ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ các robot kích thước siêu nhỏ trong y học đến các robot thực hiện các công việc nặng trong các nhà máy. Lĩnh vực chế tạo robot hiện nay là một trong những ngành công nghệ mũi nhọn thu hút nhiều sự chú ý của các nhà khoa học, trong đó vấn đề lập trình trí tuệ nhân tạo cho các robot là vấn đề được quan tâm nhất.

1.2. Điểm khác biệt của chương trình Chất lượng cao

Môi trường học tập chuyên nghiệp với các đặc điểm sau:

– Sĩ số lớp từ 20 đến 40 sinh viên.

– Đội ngũ giảng viên là các GS, PGS, TS, ThS uy tín, giàu kinh nghiệm, đa số được đào tạo ở nước ngoài.

– Cơ sở vật chất: Phòng học đầy đủ tiện nghi với trang thiết bị dạy học hiện đại nhất; Được học trong các phòng học đặc thù riêng của Khoa; Được ưu tiên tiếp cận sớm với các thiết bị thí nghiệm mới, chất lượng cao chưa được sử dụng ở các lớp đại trà; Được hỗ trợ một số linh kiện chuyên dụng trong quá trình làm Đồ án tốt nghiệp.

– Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi sẽ được học bổng học cao học tại trường đại học Tôn Đức Thắng, hoặc được ưu tiên giới thiệu xin học bổng toàn phần ở các trường đại học trên thế giới có liên kết với trường đại học Tôn Đức Thắng.

– Chương trình học: được xây dựng có tính ứng dụng cao, các môn học chuyên ngành được chọn lựa dựa theo nhu cầu của thị trường lao động; giáo trình và tài liệu giảng dạy các môn chuyên ngành được xây dựng theo các tài liệu hiện đại của các chương trình tiên tiến trên thế giới; hơn 50% các môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh; sinh viên được tham dự (không chính thức) các nhóm môn chuyên ngành khác dạy bằng tiếng Việt tại trường; sinh viên được đi kiến tập và thực tập mỗi năm từ 1-2 lần.

1.3. Triển vọng nghề nghiệp

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa sau khi ra trường có thể làm việc ở những vị trí như sau:

a. Các Viện, Trung tâm nghiên cứu, trường Đại học:

– Nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Điện tử – tin học – Tự động hóa, Viện Ứng dụng công nghệ, Trung tâm thiết kế vi mạch, các Khu công nghệ cao, …

– Giảng viên hoặc nghiên cứu viên tại các trường Đại học có chuyên ngành Điều khiển tự động trong nước.

b. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước và nước ngoài trong tất cả các lĩnh vực

– Kỹ sư thiết kế, vận hành, bảo trì kỹ thuật ở các dây chuyền sản xuất hiện đại trong công nghiệp như dây chuyền lắp ráp ô tô, tự động hóa phục vụ hàng không, nhà máy điện, các nhà máy chế biến thực phẩm, dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng, dây chuyền sản xuất các thiết bị điện tử dân dụng,…

c. Các doanh nghiệp tư vấn kỹ thuật, kinh doanh thiết bị tự động hoặc chuyển giao công nghệ

– Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể trở thành các chuyên viên tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật theo yêu cầu của khách hàng là các đơn vị sản xuất kinh doanh hoặc hành chính sự nghiệp

– Những người học có kinh nghiệm có thể tham gia xây dựng, thiết kế, triển khai các hệ thống điều khiển tự động mới, sửa chữa và nâng cấp các hệ thống đã có.

d. Khởi nghiệp

- Có khả năng khởi nghiệp thành công, tự thành lập các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực điện, tự động hóa.

e. Các cơ hội khác

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kĩ thuật điều khiển và tự động hóa có hướng nghiên cứu về xử lý tín hiệu có thể làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các ngành khác như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, y khoa.

2. CHUẨN ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO:

Chuẩn đầu ra (CĐR) là khởi điểm của quy trình thiết kế chương trình đào tạo và được xây dựng theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, phản ánh tầm nhìn, sứ mạng của trường, khoa và phù hợp với mục tiêu đào tạo, nhu cầu của các bên liên quan.

Chuẩn đầu ra sẽ được cụ thể hóa theo nguyên tắc “tương thích có định hướng” vào các môn học từng bước giúp người học đạt được những trình độ & năng lực chuyên môn về kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp sau khi hoàn thành chương trình đào tạo. Nội dung chương trình còn tăng cường hoạt động học nhóm, rèn luyện thói quen chủ động học tập, tư duy sáng tạo cho người học để luôn chủ động và sẵn sàng cho những cơ hội phát triển.

Chuẩn đầu ra được Trường cam kết với người học, xã hội và công bố công khai trên Website.

>> CĐR 2015, CĐR 2018, CĐR 2019, CĐR 2022

3. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO:

Chương trình đào tạo là khung hệ thống kiến thức lý thuyết và thực hành được thiết kế đồng bộ với phương pháp giảng dạy, học tập và đánh giá kết quả học tập; để đảm bảo người học tích lũy được kiến thức, đạt được năng lực cần thiết theo chuẩn đầu ra đã công bố tương ứng với trình độ đại học. Chương trình đào tạo của Đại học Tôn Đức Thắng được xây dựng theo hướng tương thích với chương trình của TOP 100 đại học tốt nhất Thế giới đánh giá theo Bảng xếp hạng của QS và THE nhưng có sự điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam và mục tiêu đào tạo của Đại học Tôn Đức Thắng.

Định kỳ, nhà trường tiến hành rà soát, đánh giá chương trình đào tạo nhằm đảm bảo người học đáp ứng các yêu cầu của xã hội về chuyên môn sau khi ra trường cũng như cập nhật những thay đổi về công nghệ, phương thức kinh doanh mới.... Quá trình này có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan trọng yếu bao gồm: nhà khoa học, nhà tuyển dụng, cựu sinh viên, sinh viên, và giảng viên. Chương trình TOP 100 được nhà trường đưa vào giảng dạy từ năm 2015 nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động và xu hướng hội nhập toàn cầu; giúp người học năng động, tự học nhiều hơn; tiệm cận với mặt bằng đào tạo mới nhất trên thế giới.

Chương trình đào tạo được công bố cho người học qua cổng thông tin sinh viên và công khai trên website.

>> CTĐT 2015, CTĐT 2018, CTĐT 2019, CTĐT 2022