Ngành Kỹ thuật điện tử-viễn thông, chương trình tiêu chuẩn

1. TỔNG QUAN CHƯƠNG TRÌNH

1.1. Giới thiệu sơ lược về chương trình

Ngành Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông là ngành học của sự sáng tạo và niềm đam mê nghiên cứu. Từ những hệ thống viễn thông hiện đại, như các mạng thông tin di động không dây thế hệ mới cho đến các thiết bị điện tử ứng dụng trong đời sống hàng ngày như thiết bị báo cháy, báo trộm … tất cả đều là đối tượng nghiên cứu của ngành Điện tử – Truyền thông. Bên cạnh đó, các kiến thức trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, như thiết kế vi mạch hay các mạch điện tử chuyên dụng, luôn đem lại sự thích thú và cơ hội phát triển nghề nghiệp cho mỗi sinh viên.

Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông có tính ứng dụng cao, đặc biệt sinh viên được tiếp cận với trang thiết bị thí nghiệm hiện đại cung cấp bởi các tập đoàn hàng đầu thế giới thuộc các nước tiên tiến như Mỹ, Canada...

Theo học chương trình đào tạo Cử nhân/Kỹ sư Điện tử - viễn thông, ngoài kiến thức nền tảng của ngành, sinh viên sẽ được cung cấp các khối kiến thức và kỹ năng chuyên môn sâu theo một trong các hướng sau:

- Lĩnh vực viễn thông, truyền số liệu và mạng máy tính:

  • Được cung cấp các kiến thức cần thiết để phân tích cấu trúc, chức năng và hiểu rõ được nguyên lý vận hành của các hệ thống thông tin liên lạc hiện nay như các hệ thống thông tin di động từ 2G đến 5G (GSM, UMTS, LTE, NR …), các hệ thống truyền dẫn quang, các mạng máy tính LAN, WAN, Internet, các hệ thống phát thanh truyền hình, thông tin vệ tinh, hệ thống định vị toàn cầu GPS, …
  • Được đào tạo kỹ năng tính toán thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành, bảo trì, sửa chữa các thiết bị và hệ thống viễn thông.
  • Được hướng dẫn các kỹ năng nghiên cứu với mục đích tìm ra các phương pháp xử lý tín hiệu mới, phân tích đánh giá cải thiện chất lượng các hệ thống hiện có và tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên có giới hạn trong viễn thông như băng thông, công suất tín hiệu, thời gian, …

- Lĩnh vực mạch điện tử ứng dụng:

  • Sinh viên được đào tạo các kiến thức cần thiết về tính chất vật lý của các thiết bị, linh kiện điện tử, nguyên tắc phân tích và thiết kế các mạch điện tử phục vụ cho các nhu cầu của cuộc sống trong mọi lĩnh vực, chẳng hạn các thiết bị điều khiển từ xa, báo cháy, báo trộm, các thiết bị quang báo, các mạch thu phát tín hiệu cự ly ngắn và trung bình... Đặc biệt, sinh viên cũng được cung cấp các kiến thức cần thiết cho việc thiết kế, phát triển các hệ thống và giải pháp ứng dụng Internet of Things (IoT), một xu thế công nghệ nổi bật hiện nay.  

- Lĩnh vực thiết kế vi mạch điện tử:

  • Cung cấp các kiến thức về tính chất vật lý của các vật liệu bán dẫn, nguyên lý và công nghệ thiết kế các vi mạch số và tương tự có kích thước siêu nhỏ và công suất tiêu thụ thấp (FPGA, ASIC) để phục vụ cho việc chế tạo các thiết bị công nghệ cao, công nghệ chính xác.

- Lĩnh vực xử lý hình ảnh và âm thanh:

  • Các kiến thức và kỹ năng cần thiết để phân tích, thiết kế, lập trình các giải thuật xử lý số đối với các tín hiệu âm thanh, hình ảnh, video, … nhằm thực hiện các ứng dụng như nâng cao chất lượng ảnh và âm thanh, nén dữ liệu, nhận dạng đối tượng, nhận dạng và tổng hợp tiếng nói, âm nhạc, …Các giải thuật này, trong đó bao gồm các giải thuật trí tuệ nhân tạo, có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ giải trí, thương mại điện tử, cho đến lĩnh vực điều khiển giao thông, thương mại điện tử hay trong lĩnh vực hình sự, an ninh.

1.2. Triển vọng nghề nghiệp

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Điện tử - viễn thông sau khi ra trường có thể làm việc ở những vị trí như sau:

- Các cơ quan Nhà nước:

  • Các Viện, Trung tâm nghiên cứu: Viện Công nghệ Viễn thông, Viện Bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin(CNTT), Viện Nghiên cứu Điện tử – tin học – Tự động hóa, các Trung tâm Thông tin, Viễn thông trên toàn quốc , Trung tâm thiết kế vi mạch, các Khu công nghệ cao, …
  • Các cơ quan quản lý dịch vụ viễn thông các cấp: Bưu điện Thành phố, Bưu điện tỉnh, các Đài truyền hình địa phương và quốc gia (HTV, SCTV, VTV) …
  • Các công ty khai thác các dịch vụ Viễn thông như Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), … và hàng loạt công ty, đơn vị trực thuộc: Cty Điện tử viễn thông hàng hải, Cty Điện tử viễn thông VTC, Cty Phát triển CNTT VTC, các Cty Viễn thông liên tỉnh, quốc tế (VTI) …
  • Giảng dạy tại các Trường ĐH, CĐ, THCN có đào tạo ngành Điện tử viễn thông.

Các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài:

  • Hiện nay khắp cả nước có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực Điện tử truyền thông, với các mục đích mua bán, cung cấp thiết bị, linh kiện điện tử, hoặc tư vấn thiết kế, sửa chữa bảo trì hệ thống, tạo ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên trong ngành.
  • Các tập đoàn viễn thông lớn của nước ngoài như Siemens, Alcatel, Ericsson, …
  • Các tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử dân dụng, desktop, laptop, … như Samsung, Sony, Toshiba, LG, HP, …
  • Các công ty thiết kế chip điện tử chuyên dụng: Renesas, Intel, …
  • Các công ty cung cấp thiết bị, giải pháp Viễn thông cho các doanh nghiệp, Viện nghiên cứu: Siemens, Tektronix, Rohde & Schwarz, Keysight Technologies, …

- Các cơ hội khác

  • Sinh viên tốt nghiệp ngành Điện tử viễn thông có hướng nghiên cứu về xử lý tín hiệu có thể làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các ngành khác như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, y khoa. Sinh viên theo hướng viễn thông, truyền số liệu có thể làm việc tại các công ty doanh nghiệp lớn có yêu cầu xây dựng hệ thống thông tin nội bộ, ví dụ như các ngân hàng, trường học, bệnh viện,...
2. CHUẨN ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO:

Chuẩn đầu ra (CĐR) là khởi điểm của quy trình thiết kế chương trình đào tạo và được xây dựng theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, phản ánh tầm nhìn, sứ mạng của trường, khoa và phù hợp với mục tiêu đào tạo, nhu cầu của các bên liên quan.

Chuẩn đầu ra sẽ được cụ thể hóa theo nguyên tắc “tương thích có định hướng” vào các môn học từng bước giúp người học đạt được những trình độ & năng lực chuyên môn về kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp sau khi hoàn thành chương trình đào tạo. Nội dung chương trình còn tăng cường hoạt động học nhóm, rèn luyện thói quen chủ động học tập, tư duy sáng tạo cho người học để luôn chủ động và sẵn sàng cho những cơ hội phát triển.

Chuẩn đầu ra được Trường cam kết với người học, xã hội và công bố công khai trên Website.

>> CĐR 2015, CĐR 2018, CĐR 2019, CĐR 2022

3. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO:

Chương trình đào tạo là khung hệ thống kiến thức lý thuyết và thực hành được thiết kế đồng bộ với phương pháp giảng dạy, học tập và đánh giá kết quả học tập; để đảm bảo người học tích lũy được kiến thức, đạt được năng lực cần thiết theo chuẩn đầu ra đã công bố tương ứng với trình độ đại học. Chương trình đào tạo của Đại học Tôn Đức Thắng được xây dựng theo hướng tương thích với chương trình của TOP 100 đại học tốt nhất Thế giới đánh giá theo Bảng xếp hạng của QS và THE nhưng có sự điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam và mục tiêu đào tạo của Đại học Tôn Đức Thắng.

Định kỳ, nhà trường tiến hành rà soát, đánh giá chương trình đào tạo nhằm đảm bảo người học đáp ứng các yêu cầu của xã hội về chuyên môn sau khi ra trường cũng như cập nhật những thay đổi về công nghệ, phương thức kinh doanh mới.... Quá trình này có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan trọng yếu bao gồm: nhà khoa học, nhà tuyển dụng, cựu sinh viên, sinh viên, và giảng viên. Chương trình TOP 100 được nhà trường đưa vào giảng dạy từ năm 2015 nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động và xu hướng hội nhập toàn cầu; giúp người học năng động, tự học nhiều hơn; tiệm cận với mặt bằng đào tạo mới nhất trên thế giới.

Chương trình đào tạo được công bố cho người học qua cổng thông tin sinh viên và công khai trên website.

>> CTĐT trước 2015, CTĐT 2015, CTĐT 2018, CTĐT 2019, CTĐT 2022

Thông tin sơ đồ đào tạo ngành: Xem tại đây